Tháp Dương Long – nét văn hóa cổ xưa của vương quốc Chăm

Tháp Dương Long là công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa cổ xưa của vương quốc Chăm. Đây là cụm ba tháp bằng gạch cao nhất Đông Nam Á thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cũng là một trong những Tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Cùng quynhonreview tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của tòa tháp này nào.

THÁP DƯƠNG LONG Ở ĐÂU?

Tháp ở tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách TP.Quy Nhơn khoảng 50km.  Được xây dựng vào cuối thế ki XII, đây là thời kỳ phát triển nhất của nền văn hóa Champa.

ĐẾN THÁP BẰNG CÁCH NÀO?

Để đến được tháp Dương Long, từ TP.Quy Nhơn bạn đi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 35km. Tới ngã tư đèn đỏ thuộc thị trấn Gò Găng (huyện Phù Cát). Bạn rẽ trái đi tiếp theo tỉnh lộ 636 (quốc lộ 19B) khoảng 15km nữa. Vừa đi vừa xem bản đồ để rẽ trái vào địa phận xã Tây Bình. Hoặc hỏi dân địa phương đường rẽ vào tháp Dương Long.

ĐẾN THÁP CÓ TỐN PHÍ KHÔNG?

Đến tháp thì mua vé với giá: 15.000đ.

Thời gian hoạt động: Từ 07:00 – 18:00.

THÁP DƯƠNG LONG ĐƯỢC XÂY DỰNG TỪ KHI NÀO?

Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa. Phần thân của các tháp xây gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu. Tính quy mô của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của tháp (là tháp cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam) mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, họa tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp.

Tháp Dương Long
Tháp Dương Long. Nguồn: Tuấn Bùi

LỊCH SỬ THÁP DƯƠNG LONG

Nhiều nhà nghiên cứu dựa trên những họa tiết trang trí, chạm khắc trên tháp đánh giá Tháp Dương Long chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc nghệ thuật Kh’mer.

Vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII vùng đất này phải chống chịu rất nhiều cuộc xâm lăng của Tchenla (Chân Lạp). Và cũng từng nằm dưới sự quản lý của người Kh’mer trong thời gian khá dài. Có khả năng tháp được xây dựng trong thời gian đó nên bị ảnh hưởng trong nét kiến trúc.

Kết quả của nhiều cuộc khai quật khảo cổ và những dấu tích kiến trúc bị hư hỏng cho thấy nơi đây đã từng là một khu đền tháp lớn của người Chăm. Ba ngôi tháp này là phần kiến trúc trung tâm của khu đền thờ ba vị thần tối cao của Ấn.

Tháp Dương Long
Tháp Dương Long. Nguồn: Tuấn Bùi

KIẾN TRÚC THÁP DƯƠNG LONG

Cụm tháp này gồm ba tháp: chiều cao tháp Nam 33m, tháp Giữa gần 39m, tháp Bắc 32m. Tháp Dương Long là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc Chămpa và Khmer. Hiện nay, trong khuôn viên di tích, ngoài ba tháp chính, còn có nhà trưng bày bổ sung với tổng diện tích khoảng 370m2, hệ thống tường rào, cổng chính mở về phía Đông theo hướng chính của ba tháp, cổng phụ mở về phía Bắc.

1. THÁP GIỮA

Tháp Giữa cao 38,81m, được xem là ngôi tháp gạch cao nhất ở Đông Nam Á. Tháp đã bị hư hại khá nhiều, vòm cửa chính và các cửa giả bị sụp đổ, chỉ còn một vài thanh đá còn đính lại trên thân, cửa giả phía Nam còn lại phần trụ cửa, tiền đường (tiền sảnh) cũng đã bị sụp đổ. Quanh các mặt tường tháp là các trụ ốp rộng bản, để trơn không trang trí hoa văn, mỗi mặt tường có 7 trụ, đầu trụ hơi loe ra và được gắn với những khối đá, trang trí thành nhiều băng giật cấp. Chân đế được ốp kín bằng những khối đá sa thạch với bình đồ vuông mỗi cạnh dài 16,5m, phần nhô ra của cửa giả 0,84m.

2. Tháp Nam

Tháp Nam cao 32,94m (còn nguyên vẹn nhất trong số ba tháp). Khoảng cách giữa tháp Nam và tháp Giữa tại cửa giả là 1m. Bộ diềm mái gồm hai đường bằng đá, diềm chính trang trí một dải hình Gajashimha (đầu voi mình sư tử), gờ lượn bên dưới trang trí những chấm tròn nổi kết dải. Ở tháp Nam, hiện còn khung cửa chính bằng đá sa thạch, nhưng vòm cửa chính cũng như các cửa giả mặt Nam và mặt Tây đã bị sụp đổ. Phần mái tháp cũng được tạo 4 tầng mái tương tự như tháp Giữa, bốn mặt có ô khám, phía trên là vòm trang trí, tất cả đều được làm bằng đá.

3. Tháp Bắc

Đây là tháp bị hư hại nặng nhất. Thân tháp bị đục khoét sâu vào trong, nhưng đã được gia cố từ năm 1984. Tháp cao 31,76m bình đồ vuông, kích thước tương đương với tháp Nam. Cửa chính của tháp đã bị đổ, chỉ còn một phần vòm cửa bên trên, chân diềm vòm còn lại vài thanh đá gắn trên thân chính của tháp. Cửa giả phía Nam bằng đá, gồm ba phần, phần trước là một cái khám có hai trụ ốp lớn, đầu trụ đỡ một phiến đá nằm ngang, phiến đá được tạo những đường gờ trang trí tạo cho đầu trụ hơi loe rộng ra. Phía trên phiến đá cũng đỡ một mi cửa trang trí những hình người nhảy múa.

MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐẾN THÁP DƯƠNG LONG

  • Không mang theo vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, vật gây ô nhiễm môi trường vào di tích.
  • Không hành nghề mê tín dị đoan.
  • Không đập phá, đào bới, khắc, viết, vứt rác làm ảnh hưởng cảnh quan di tích.
  • Không chăn thả gia súc, chặt cây, lấy đất và các tài sản khác của di tích Tháp Dương Long.
  • Khi đến tham quan, cần liên hệ với ban quản lý để được hướng dẫn.

Hãy xách balo lên, đi đến và tìm hiểu tháp gạch cao nhất Đông Nam Á cũng như một trong những tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam ngay các bạn nhé!

Đến với tháp Dương Long rồi mà bạn lại không khám phá ngọn tháp Bánh Ít (cũng là kiến trúc của nền văn hoá Chăm Pa cổ) thì thật là uổng phí một chuyến đi đấy. Hãy xem ngay những điều đặc sắc về Tháp Bánh Ít tại đây:  quynhonreview.com/thap-banh-it/

Xem thêm về các địa điểm ăn uống tại đây: quynhonreview.com/danh-muc/an-uong/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.