Tháp Bánh Ít – Nét đẹp bí ẩn trong kiến trúc Chăm-pa cổ đại

Tháp Bánh Ít

Ai đến Bình Định rồi chắc hẳn đã từng nghe câu này: “Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di Sông xanh núi cũng xanh rì Vào Nam ra Bắc cũng đi đường này”. Tháp bánh ít tại Quy Nhơn, Bình Định còn có một tên gọi khác là “Tháp Bạc”. Một toà tháp cổ được xây lên với kiến trúc của người Chăm Pa cổ. Tháp được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1982. Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận Top 10 tháp-cụm tháp cổ được tham quan nhiều nhất  năm 2014.

Tháp Bánh Ít ở đâu?

Tháp nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, Huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km, đi ô tô mất gần nửa tiếng đồng hồ.

Giới thiệu khái quát về Tháp Bánh ÍT

Là một trong những tháp được xây dựng thời Chiêm Thành tại Bình Định. Tháp chính có kích thước lớn nhất và nằm ở vị trí trung tâm trên ngọn đồi. Xung quanh là 3 tháp nhỏ tạo cảm giác cho du khách như lạc vào chốn Chăm-pa cổ đại.

Tháp Bánh Ít - Quy Nhơn - Bình Định
Tháp Bánh Ít – Quy Nhơn – Bình Định. Nguồn Tuấn Bùi

Ba Tháp Nhỏ

Tháp Cổng

Nằm ở phía Đông cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong. Vì có chức năng làm cổng nên ngôi tháp này có hai cửa thông nhau theo hướng Đông – Tây. Được trang trí đơn giản hơn so với ngôi tháp chính và cùng nằm trên một trục thẳng với cửa tháp chính trên đỉnh đồi. Ðặc biệt, vòm cửa được trang trí giống hình mũi lao có nhiều lớp liên tiếp vút lên trên. Hai mặt còn lại của tháp là hai cửa giả, không thông với lòng tháp nhưng vòm được tạo dáng giống như cửa thật. Quanh thân tháp có các trụ đá ốp để trơn không trang trí. Diềm mái tháp hơi nhô ra nâng toàn bộ ba tầng mái trang trí đơn giản nhưng khỏe khoắn.

Tháp Bánh ít

Ngay đằng sau tháp cổng, trên nền tầng thứ nhất hiện còn dấu tích của một tòa nhà chạy dọc theo hướng đông – tây và đối diện với ngọn tháp chính bên trên sau tòa nhà dài là một lối tam cấp rất dốc dẫn lên tầng kiến trúc bên trên và tới một con đường đi thẳng tới ngôi tháp chính, hiện nay ở tầng trên cùng của quả đồi chỉ còn lại hai kiến trúc gạch đó là tháp thờ trung tâm và tòa tháp mái cong hình yên ngựa ở phía nam. Bao quanh khu kiến trúc trên cùng này là một vòng đai đường mà giờ chỉ còn lại dấu tích của những ổ gạch.

Tháp Bia

Nằm cách tháp Cổng phía Đông 22m về phía hướng Nam. Có một tháp gạch lớn như tháp Cổng. Tháp Bia – nhà che bia là kiến trúc thường có mặt trong bố cục đền – tháp lớn ở một vùng. Trong tháp này thường có bia ký ghi lại công trạng của các vị vua và các vị thần linh được thờ ở không gian thiêng này. Rất tiếc là tấm bia trong ngôi tháp này hiện nay không còn.

Tháp Bia - Tháp Bánh Ít
Tháp Bia – Tháp Bánh Ít. Nguồn: Tuấn Bùi

Tháp Hoả

Còn có tên gọi khác là Tháp yên ngựa. Có chiều cao khoảng 12 mét, rộng 5 mét. Vì mái tháp cong như yên ngựa nên người dân cũng vì thế mà thành quen, gọi thành tên dân dã tự lúc nào chẳng biết. Do chỉ là một kiến trúc phụ có chức năng như một nhà kho (nơi người Chăm xưa dùng để đồ tế lễ) nên tháp yên ngựa có hình dáng và cấu trúc mô phỏng ngôi nhà sàn dân gian. Cửa chính mở ra phía Đông, dẫn sâu vào lòng tháp, thông với cửa trổ ra ở phía Bắc và Nam. Ðế tháp hơi nhô ra so với thân tháp, xây giật cấp vuông vức tạo thành bệ đỡ vững chắc. Thân tháp có phù điêu chim thần trong tư thế hai cánh giơ cao như nâng đỡ cả phần trên của tháp.

Tháp Hoả của Tháp Bánh Ít
Tháp Hoả. Nguồn Tuấn Bùi.

Tháp Chính

Ngôi tháp chính đường bệ và hoành tráng là toà tháp lớn nhất với chiều cao khoảng gần 30m. Có một cửa chính ở phía Đông và ba cửa giả, riêng phần cổng đi vào nhô ra bên ngoài thêm 2 mét, được trang trí khá công phu và đẹp mắt. Thân tháp chính có năm cột dọc, rãnh kép, vừa làm cho tường vững chãi, vừa tạo dáng thanh thoát. Dù là những cột rãng trên bức tường hay mái vòm trên cao thì bàn tay của những nghệ nhân vẫn cố gắng giữ cho dáng vẻ của tháp mềm mại, thanh thoát chứ không hề cứng nhắc. Các bức phù điêu của tháp chính đều được tạc ở tư thế đang nhảy múa vô cùng sống động, thu hút.

Tháp Bánh Ít Quy Nhơn - Bình Định
Tháp Chính. Nguồn: Tuấn Bùi

Không gian mát mẻ của thiên nhiên cùng nét đẹp cổ kính ở tháp Bánh Ít chắc hẳn sẽ khiến cho du khách cảm nhận được sự an yên trong tâm hồn. Hãy để cho mọi vướng bận, muộn phiền đều được trôi vào hư vô. Nếu đã quá quen thuộc với các cụm di tích Chăm khác thì tháp Bánh Ít sẽ là luồng gió mới giúp cho chuyến hành trình của du khách thêm nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Hãy cùng quynhonreview khám phá Tháp Bánh ít nhé.

Bạn còn muốn tham khảo thêm về các địa điểm thú vị khác hãy nhanh tay click vào: quynhonreview.com/danh-muc/dia-diem/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.